Viêm khớp thái dương hàm là bệnh gì?

1. Viêm khớp thái dương hàm là bệnh gì?
Bên trong sọ mặt chỉ chứa 1 khớp động tên là khớp thái dương hàm, khớp này gồm có diện khớp xương hàm ở dưới và ở xương thái dương. Bên cạnh đó, có những bộ phận khác cụ thể có bao khớp, dây chằng của khớp, đĩa khớp và mô sau đĩa. Phần khớp thái dương hàm này rất quan trọng làm cho hàm có thể đóng mở trong hoạt động ăn, nói, uống, nuốt,…
viêm khớp thái dương hàm hay được gọi với tên khác là rối loạn khớp thái dương hàm hoặc viêm khớp thái dương. Đây là 1 bệnh lý rối loạn khớp hàm cùng các cơ mặt xung quanh làm xuất hiện các cơn đau theo chu kỳ, các cơn co thắt cơ, tình trạng mất cân bằng ở khớp nối phần xương hàm với xương sọ,… Khớp thái dương bị suy giảm chức năng khiến sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng xấu.
2. Nguyên nhân nào gây ra viêm khớp thái dương?
Bệnh viêm khớp thái dương do nhiều nguyên nhân gây nên trong trong đó nguyên nhân chủ yếu bởi các bệnh lý liên quan đến xương khớp chẳng hạn như thoái hóa khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp, khớp bị nhiễm khuẩn,… Trong đó, phổ biến nhất là bệnh viêm khớp dạng thấp với tỷ lệ lên đến 50% trong các trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khớp thái dương hàm là phần khớp chịu tổn thương sau cùng bởi thoái hóa khớp, sau khi xuất hiện viêm tại khớp bàn cổ tay, khớp gối hay khớp khuỷu. Bệnh viêm khớp thái dương ở hàm gây ra bởi thoái hóa khớp chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, xương khớp đa phần đã thoái hóa.
Ngoài ra, một nguyên nhân thường gặp khác là do chấn thương vùng hàm bởi tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc va chạm khi luyện tập thể dục thể thao.
Bên cạnh đó, khi cử động há miệng quá rộng 1 cách đột ngột, chứng nghiến răng khi ngủ hoặc sở thích nhai kẹo cao su khiến hàm bị siết chặt, tạo ra áp lực lớn cho khớp thái dương hàm cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Thêm vào đó, tình trạng răng mọc bất thường như lệch, chen chúc hoặc do các tác động như nhổ răng, trải qua sang chấn tâm lý hoặc stress đều có khả năng gây ra bệnh này.
3. Bệnh viêm khớp thái dương hàm có biểu hiện như thế nào?
Tình trạng viêm khớp thái dương hàm diễn ra ở 1 hoặc cả 2 bên mặt. Lúc mới phát bệnh, cơn đau chỉ ở mức nhẹ và có thể tự khỏi. Thế nhưng khi bệnh diễn tiến nặng sẽ khiến bệnh nhân bị đau với tần suất liên tục, dữ dội, nhất là lúc ăn và nhai.
Ngoài ra, các cơn đau còn xuất hiện bên trong và xung quanh tai khiến bệnh nhân khó há và khép miệng, cử động hàm. Khi bệnh nhân há miệng hay nhai sẽ phát ra âm thanh của khớp thế nên thường khiến họ ngậm miệng chếch sang 1 bên gây ra mỏi hàm và mặt cắn không đồng đều.
Khi khớp thái dương hàm đang có biểu hiện đau và khi ăn thường đau dữ dội hơn, phát ra âm thanh lục cục tức tình trạng bệnh đã nặng nề. Vì thế cần phải điều trị ngay lập tức trước trước khi bệnh gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Một vài biểu hiện khác như nhức đầu, đau mặt, mỏi cổ, đau nhức tai, 2 bên thái dương, trạng thái mệt mỏi, mọc hạch ở 1 hoặc cả bên, sưng to cơ nhai khiến gương mặt to ra mất cân đối.
Bên cạnh đó, bệnh viêm khớp thái dương hàm có khả năng gây ra biến chứng trật khớp hoặc dính khớp. Khi ấy, những đầu khớp bắt đầu tình trạng thoái hóa và xuất hiện hiện tượng dính các đĩa khớp với các đầu xương.
Nếu không điều trị sớm thủng đĩa khớp sẽ làm cho đầu xương bị hủy hoại và phần khớp bị xơ cứng khiến bệnh nhân không thể mở miệng.
4. Phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm
Việc chữa trị bệnh viêm khớp thái dương phải dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh. Để làm giảm đau khớp và đau ở các cơ, người bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm cho bệnh nhân những cách thức vật lý trị liệu cụ thể như chiếu tia hồng ngoại, massage, xoa bóp cho cơ, chườm nóng để hỗ trợ điều trị.Nếu nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến răng hàm mặt, bệnh nhân sẽ được áp dụng biện pháp chỉnh hình gồm có: niềng răng, nhổ răng, tạo hình thẩm mỹ răng, chỉnh sửa khớp cắn hay phẫu thuật phần xương ổ răng,…
Nếu bệnh nhân phản ứng tốt với liệu pháp điều trị thì bệnh sẽ khỏi chỉ sau vài ngày. Đối với bệnh nhân diễn tiến nặng, có nguyên nhân phức tạp thì quá trình điều trị sẽ kéo dài đến cả năm và thậm chí có thể sống chung với bệnh cả đời.
5. Bệnh nhân viêm khớp thái dương hàm cần lưu ý những gì?
Chế độ sinh hoạt hằng ngày có ảnh hưởng đến quá trình chữa trị và khả năng loại bỏ viêm ở khớp thái dương hàm. Tốt nhất, bệnh nhân viêm khớp thái dương hàm cần lưu ý những điều sau đây:
Nên lựa chọn những thức ăn có độ mềm, dễ nhai và nuốt không gây ảnh hưởng cho cơ hàm. Bên cạnh đó, hạn chế nhai lâu hoặc chỉ nhai một bên khiến cơ hàm bị lệch.
Khi các cơn đau diễn ra, bệnh nhân có thể xử lý bằng miếng nhiệt hay túi chườm để giảm đau tạm thời.
Dành từ 10 - 15 phút mỗi ngày để massage, xoa bóp cho vùng dưới hàm.
Sử dụng thuốc đúng liều, đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với bệnh nhân được bác sĩ chỉ định sử dụng tấm đeo nhựa, cần nghiêm túc làm theo đúng hướng dẫn, quy trình sử dụng để không gây tác động xấu cho xương khớp 2 bên má.
Trong quá trình sử dụng thuốc, nên đến bệnh viện kiểm tra để theo dõi tình trạng bệnh và xử lý tác dụng phụ xảy ra nếu có. Ngay khi phát hiện hàm không thế há hoặc khép phải đến bệnh viện để xử lý kịp thời trước khi diễn ra biến chứng trầm trọng.