Tụt lợi. Nguyên nhân là do đâu ???
Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía chóp chân răng của lợi. Hiện tượng này còn khiến khoảng cách các kẽ răng ngày càng lớn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ gây mất thẩm mỹ và hôi miệng...
Căn bệnh này là nguyên nhân gây mất thẩm mỹ lớn ở răng cũng như hôi miệng.
Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía chóp chân răng của lợi. Hiện tượng này còn khiến khoảng cách các kẽ răng ngày càng lớn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ gây mất thẩm mỹ và hôi miệng. Răng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh đó, các mô nâng đỡ và phần cấu trúc xương cũng có nguy cơ bị hư hại dẫn đến rụng răng.
Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn được chứng bệnh này bởi thời gian phát triển của rất chậm.
Vì sao bị tụt lợi?
Tụt lợi có thể là do viêm và không do viêm. Viêm lợi, viêm quanh răng không được điều trị lâu ngày sẽ gây tụt lợi. Bệnh nhân bị tụt lợi do viêm quanh răng thường có kèm theo chảy máu lợi, sưng lợi và có thể bị tụt lợi ở toàn bộ hai hàm nếu không được điều trị kịp thời.
Tụt lợi không do quá trình viêm: do lớp xương phủ bề mặt ngoài của chân răng quá mỏng, dễ bị sang chấn. Sang chấn khớp cắn cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng tụt lợi do kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ. Những răng bị lệch ra ngoài cung hàm cũng dễ bị tụt lợi. Đặc biệt sự co kéo quá mức của các phanh môi, má thường gây tụt lợi của răng bên dưới. Tụt lợi còn là hậu quả của một số biện pháp điều trị vùng quanh răng hoặc điều trị nắn chỉnh răng.
Một nguyên nhân gây tụt lợi và mòn cổ răng rất phổ biến ở người lớn tuổi là chải răng bằng bàn chải quá cứng và không đúng cách. Tình trạng tụt lợi do các nguyên nhân không do viêm thường chỉ liên quan đến một răng hoặc một vài răng và thường gặp ở vùng răng nanh, răng cửa, ít khi gặp ở răng hàm.
Tụt lợi do các nguyên nhân này thường không liên quan đến quá trình viêm của tổ chức quanh răng. Tuy nhiên, nếu lợi bị tụt quá đường ranh giới lợi – niêm thì có thể có kèm theo viêm lợi thứ phát.